“Hợp tác xã với Bác Hồ” là công trình để tỏ lòng biết ơn vô hạn và tri ân của cán bộ, công nhân viên và người lao động trong hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với công lao của Bác Hồ.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), sáng 16/5, tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (Làng Sen 3, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) tổ chức Lễ Khánh thành Công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ.”

Tại buổi lễ, các Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, cùng lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã cắt băng Khánh thành và gắn biển Công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ.”

Công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ” được khởi công xây dựng ngày 30/8/2019, tổng kinh phí đầu tư 8 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo gắn biển Công trình ‘Hợp tác xã với Bác Hồ.’

Các hạng mục công trình đã hoàn thành gồm: 4 hồ sen, 2 nhà dừng nghỉ, đường hoa, hàng rào, điện chiếu sáng và hai bia đá với dòng chữ “Công trình Hợp tác xã với Bác Hồ – Công trình do tập thể, cá nhân của Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các đơn vị khác đóng góp xây dựng”; hệ thống hàng rào bao quanh, đèn chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, hoa.

Đặc biệt, công trình còn có những hàng cây hoa phượng, những hồ sen nở hoa rực rỡ đúng dịp tháng 5 hàng năm để kính dâng, chúc mừng sinh nhật Bác mãi mãi sau này.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh “Hợp tác xã với Bác Hồ” là công trình để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn vô hạn và tri ân của cán bộ, công nhân viên và người lao động trong hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam-Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Người đầu tiên đưa tư tưởng Hợp tác xã vào Việt Nam.

Ông Phan Văn Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên, cho biết công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ” sẽ góp phần tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp, là điểm đến thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm trên quê Bác; tạo điểm nhấn kết nối với Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách, hình ảnh giản dị nhưng thanh cao của Bác Hồ với nhân dân tỉnh Nghệ An nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, công trình sẽ giúp cho xã Kim Liên hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.

Tại buổi lễ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 7 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai xây dựng công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ”; Hợp tác xã Nông nghiệp Sen quê Bác cũng đã ký cam kết bảo trì, đón khách, khai thác công trình một cách hiệu quả.

Trước đó, tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên ), tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thành kính dâng hoa, dâng hương báo công với Bác.

Trước anh linh của Người, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hứa sẽ luôn củng cố, đổi mới, phát triển tổ chức và hoạt động; tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách và pháp luật về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức tư vấn, hỗ trợ, cung ứng dịch vụ công, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và khẳng định vai trò nòng cốt, quan trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng dự khánh thành Đền thờ Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh\

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Đền Chung Sơn – Đền thờ Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng trong ngày 16/5, tại tỉnh Nghệ An, nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành Đền Chung Sơn – Đền thờ Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh – tại Núi Chung, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó thuở thiếu thời.

Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh Nghệ An và một số địa phương.

Đây là lần đầu tiên trong cả nước có một nơi thờ tự, một địa chỉ văn hóa mang ý nghĩa lịch sử để nhân dân và du khách bày tỏ niềm kính phục, lòng biết ơn đối với những người thân trong gia đình của Bác Hồ.

Đền Chung Sơn – đền thờ song thân phụ mẫu và anh chị em ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh – là công trình có ý nghĩa hết sức đặc biệt, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An xưa nay là vùng địa linh nhân kiệt, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, nơi đã góp cho đất nước 38 vị đại khoa cốt cách thanh cao, trí tuệ uyên thâm, được người đời trọng phục…

Miền đất này là nơi sinh ra 3 vị anh hùng lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam là Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh, những người đã làm rạng rỡ cho núi sông Việt Nam, đem lại vinh dự cho nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Nam Đàn nói riêng: “… Anh hùng xuất chúng Mai, Phan, Nguyễn/ Khoa bảng lừng danh Xán, Đạt, Giao/ Truyền thống anh hùng và học giỏi/ Mong rằng hậu tiến mãi giương cao…”.

Sông núi Nam Đàn – một phần máu thịt của giang sơn gấm vóc Việt Nam – nơi cắt rốn chôn nhau và nuôi dưỡng cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ thuở ấu thơ – đã góp phần to lớn trong việc hình thành tình cảm, cốt cách, tư tưởng của Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh.

Thủ tướng cho rằng công trình Đền thờ Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong Đề án xây dựng Khu di tích lịch sử văn hóa du lịch Núi Chung, nơi sẽ trở thành trung tâm du lịch văn hóa lịch sử – một điểm không thể thiếu của tỉnh Nghệ An với việc khôi phục nhiều làng nghề truyền thống như nghề dệt vải từ cọng sen hay làm nến từ thảo dược…

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
949.478.986