Hội nghị nằm trong chuỗi hoạt động tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung bộ, trung du – miền núi Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An; Nguyễn Đăng Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn; Nguyễn Đức Vượng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Trường Huy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; Nguyễn Hồng Lĩnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành 10 tỉnh, thành phố; lãnh đạo các tập đoàn, đại diện các doanh nghiệp, các hệ thống phân phối lớn của Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà sản xuất của 9 tỉnh.
HOẠT ĐỘNG Ý NGHĨA, VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, TIÊU THỤ HÀNG HÓA
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và 9 tỉnh là một trong những hoạt động rất có ý nghĩa.
Trong thời gian qua, nhiều sản phẩm hàng hóa của các tỉnh đã tiếp cận các hệ thống phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như: Lotte, AEON, Central Retail, Wincomecer…. Một số sản phẩm đã được tiêu thụ ổn định tại thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.
Qua đó, đã tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy tiêu thụ và kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh dòng luân chuyển hàng hóa, nâng tầm giá trị sản phẩm đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại các địa phương. Ngược lại, một số tập đoàn lớn đã mở các chi nhánh trên địa bàn các tỉnh, tạo động lực phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại.
Trong bối cảnh hoạt động tiêu thụ hàng hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc kết nối giao thương qua các hệ thống phân phối hàng hóa với các nhà cung ứng hàng hóa của 9 tỉnh, thành, thuộc 3 vùng liên kết hết sức thiết thực và ý nghĩa. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp tìm hiểu, kết nối đi đến hợp tác, đồng hành cùng phát triển vì mục tiêu phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Về phía Nghệ An, là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với địa hình phong phú, hệ thống giao thông đa dạng, rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Nghệ An là tỉnh có nguồn lao động dồi dào, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại và dịch vụ. Các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Nghệ An đa dạng, đảm bảo yêu cầu về hình thức, mẫu mã, chất lượng, đủ điều kiện để lưu thông ra thị trường.
Tỉnh Nghệ An cam kết sẽ luôn ủng hộ, đồng hành và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất và chủ động, tích cực phối hợp để các đơn vị hoạt động hiệu quả với kỳ vọng mang lại môi trường thương mại văn minh, tiện lợi nhất cho người dân địa phương và góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An.
TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT, HỖ TRỢ CÙNG PHÁT TRIỂN
Tại hội nghị, các nhà sản xuất tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã nêu nhiều câu hỏi về các điều kiện để hàng hóa được lên kệ tại các hệ thống phân phối lớn ở TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, đề nghị các hệ thống phân phối lớn tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP của các địa phương được cấp “visa” vào các siêu thị lớn.
Đại diện các hệ thống phân phối lớn của Thành phố Hồ Chí Minh đã trao đổi, chia sẻ những quy định, yêu cầu về hình thức, mẫu mã, chất lượng… để các nhà sản xuất nhỏ có thể đưa hàng hóa của mình vào được các siêu thị lớn. Đồng thời, cam kết, sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các sản phẩm OCOP của các địa phương được vào các siêu thị lớn trên cả nước.
Kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trên cả nước, trong đó, có 9 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Xây dựng quy trình chuỗi cung ứng hiệu quả từ nuôi trồng, thu hoạch, lưu trữ, sơ chế, chế biến và sản xuất, cho đến khâu tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP. Hồ Chí Minh trong việc thực hiện các hoạt động kết nối giao thương. TP. Hồ Chí Minh cũng quan tâm các hoạt động thúc đẩy kết nối cung – cầu, xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa và đây là một trong những nội dung hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Trao đổi những khó khăn về thị trường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp phải nhìn thẳng vào khó khăn không phải để nản lòng mà để đương đầu, nỗ lực lớn hơn trên con đường chinh phục thị trường, đưa tâm huyết chính mình đến tận tay người tiêu dùng. Vì vậy, hệ thống phân phối phải chuyển tải tín hiệu thị trường để các nhà sản xuất đổi mới tư duy, chuyển từ sản xuất sản phẩm mình có sang sản xuất sản phẩm thị trường cần.
Trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Hoan đề nghị Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối cung – cầu sản phẩm, đặc biệt là các địa phương kết nghĩa với TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, đẩy mạnh kết nối trực tuyến; chủ động nắm bắt xu hướng tiêu dùng, nhu cầu thị trường để chia sẻ với các địa phương; đẩy mạnh kết nối theo chuyên đề, theo thị trường; đẩy mạnh các giải pháp hoàn thiện, phát triển chuỗi cung ứng hiệu quả.
Các địa phương cũng cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối cung – cầu, xúc tiến thương mại tại các thị trường, đặc biệt là thị trường TP. Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, các hệ thống phân phối TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp cung ứng, nhà sản xuất của 9 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã ký kết giao thương.