Số liệu của ngành du lịch Nghệ An cho thấy, lượng khách 6 tháng đạt 4,9 triệu lượt, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách lưu trú đạt 3,16 triệu lượt, bằng 125% so với cùng kỳ. Riêng lượng khách quốc tế đạt 32.500 lượt. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 11.491 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 4.334 tỷ đồng.

Thái độ phục vụ chưa chuyên nghiệp

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Mạnh Lợi – Phó GĐ Sở Du lịch tỉnh Nghệ An thẳng thắn chia sẻ, Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, có tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Việt, có QL1A và đường Hồ Chí Minh đi qua, có cảng biển Cửa Lò, sân bay quốc tế Vinh.

Đồng thời là địa phương nằm ở cửa ngõ quan trọng tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây nối liền Myanma – Thái Lan – Lào – Việt Nam với biển Đông qua QL7, QL8 và trong tương lai sẽ là tuyến đường cao tốc quốc tế nối liền Viêng Chăn – Pakxan (Lào) với Hà Nội rất thuận lợi.

Nghệ An có nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú, thuận lợi để có thể thiết lập hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá – lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Đoàn du khách từ nước bạn Lào về thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An, nghe hướng dẫn viên kể tóm tắt về cuộc đời của Bác Hồ từ lúc sinh ra và những lần về thăm quê hương. Ảnh: Quốc Huy
Đoàn du khách từ nước bạn Lào về thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An, nghe hướng dẫn viên kể tóm tắt về cuộc đời của Bác Hồ từ lúc sinh ra và những lần về thăm quê hương. Ảnh: Quốc Huy

Tuy nhiên, ông Lợi thừa nhận rằng, Nghệ An chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ, có sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đẳng cấp và mang tính đột phá để thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao, đem lại nguồn thu lớn.

Một số dự án trọng điểm du lịch gần như không triển khai hoặc triển khai rất chậm.

“Doanh nghiệp du lịch chủ yếu có quy mô nhỏ, cơ sở lưu trú từ 3-5 sao và tương đương chiếm tỷ lệ nhỏ. Sản phẩm quà tặng du lịch còn nghèo nàn về chủng loại, mẫu mã, giá thành chưa hợp lý. Ít sản phẩm quà tặng được thiết kế riêng, mang bản sắc của địa phương” – ông Lợi chia sẻ về thực trạng địa phương.

Du khách tham gia trải nghiệm thu hoạch sen trên quê hương Bác Hồ. Ảnh: Hồng Tiến
Du khách tham gia trải nghiệm thu hoạch sen trên quê hương Bác Hồ. Ảnh: Hồng Tiến

Ngoài ra, một yếu quan trọng nữa là nguồn nhân lực du lịch, liên quan đến du lịch còn thiếu chuyên nghiệp cả về kỹ năng và thái độ phục vụ. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa có chiều sâu và trọng tâm, trọng điểm, hình thức còn đơn điệu, hiệu quả và sức lan tỏa chưa cao.

Thêm vào đó, Nghệ An chưa có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch được bàn hành từ Trung ương.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đổi mới sản phẩm du lịch

Ngành du lịch Nghệ xác định, để thúc đẩy tăng trưởng du lịch cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2” – Tiểu dự án tỉnh Nghệ An.

Tiếp tục tổ chức đoàn chuyên gia thực hiện khảo sát, tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi như: Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn. Tổ chức đoàn khảo sát xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái năm 2023.

Ngôi chùa Đại Tuệ nằm trên dãy núi Đại Huệ thu hút nhiều người lên tham quan, dạo chơi. Ảnh: DL
Ngôi chùa Đại Tuệ nằm trên dãy núi Đại Huệ thu hút nhiều người lên tham quan, dạo chơi. Ảnh: DL

Ngoài ra, cần tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa Nghệ An và các địa phương trọng điểm về du lịch trên cả nước. Phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2023 với chủ đề “Ba địa phương – Một điểm đến – Nhiều trải nghiệm” tại tỉnh Thanh Hóa; Phối hợp với 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch “Một hành trình – bốn địa phương – nhiều trải nghiệm” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội năm 2023.

Bãi tắm Cửa Lò thu hút hàng vạn khách đến nghỉ dưỡng. Ảnh: DL
Bãi tắm Cửa Lò thu hút hàng vạn khách đến nghỉ dưỡng. Ảnh: DL

Ngoài ra, ngành du lịch Nghệ An cũng nêu rõ, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ cán bộ trong ngành: Tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch lữ hành, lưu trú du lịch, tập huấn kiến thức cho người dân ở các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thêm những sản phẩm, mô hình du lịch cộng đồng độc đáo, hấp dẫn và có chất lượng dịch vụ cao.

Cô gái Thái quay tơ lấy sợi dệt vải ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

Thầy mo làm lễ trước lúc du khách vào tham dự buổi tiệc của đồng bào người Thái ở bản Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

Đến nay, ngành Du lịch Nghệ An đã triển khai xây dựng thành công du lịch cộng đồng ở một số bản làng dân tộc thiểu số các huyện miền Tây như: Bản Xiềng, Bản Nưa, Bản Khe Rạn (Con Cuông); Bản Quang Phúc (Tương Dương); Mường Lống, Bản Yên Hòa (Kỳ Sơn); Bản Cọ Muồng, Bản Long Thắng (Quế Phong); Bản Hoa Tiến (Quỳ Châu)… Bước đầu tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương và góp phần làm tăng nét đa dạng, hấp dẫn của du lịch Nghệ An.