Làng Sen, cái tên gọi thân thương ấy đã quá đỗi gần gũi trong lòng bao người con đất Việt. Không phải ngẫu nhiên mà quê Bác còn được gọi với cái tên như vậy. Đây là cách giải thích của người dân quê Bác, như ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Kim Liên và nhân dân địa phương cho biết: “Người dân quê Bác từ xa xưa đã trồng rất nhiều sen. Tuy nhiên, việc trồng sen hoàn toàn đang tự phát, nhỏ lẻ, năng suất thấp cũng như chưa tận dụng hết ưu thế của loại cây này”. Ông Lộc chia sẻ thêm “Năm 2019, khi thực hiện kế hoạch mở rộng trồng sen, diện tích trồng sen đã tăng lên nhiều lần. Xã cũng khuyến khích nhân dân chuyển đổi diện tích ao hồ nuôi cá, diện tích bỏ hoang sang trồng sen. Hiện nay, toàn xã có 30 hộ tham gia trồng sen với tổng diện tích 20 ha. Bên cạnh đó, chính quyền cũng chú trọng chỉnh trang lại các ao sen, xây dựng các bờ kè, tạo các tuyến đường đi bộ, nhất là công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ” với 4 hồ sen, đường có hệ thống đèn điện chiếu sáng và có 2 nhà chờ phục vụ khách tham quan, chụp ảnh, tạo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp”.

Sắc sen trên quê Bác. Ảnh: Phạm Kim Tiến

Phải chăng vì vậy mà từ làng Trù quê ngoại đến làng Sen quê nội của Bác, khắp các ao hồ, ngõ xóm đâu đâu cũng ngợp một sắc sen quyến rũ. Không những thế, hiện nay nhiều hộ dân còn trồng sen trong chậu để trang trí sân vườn, nhà cửa làm cho cái tên làng Sen càng ý nghĩa. Trên những con đường quê Bác, bình minh vừa lên cũng là lúc những đóa sen thi nhau bung nở, đua sắc, tỏa hương thơm ngan ngát. Ngắm những đóa sen đang dần bung cánh đón ánh ban mai và từng khắc khoe dần cái vẻ đẹp tiềm ẩn vô tận, rồi hít hà từng hơi thật dài mùi hương dịu nhẹ ấy, lòng thấy nhẹ bẫng, thư thái đến lạ! Dường như bao nặng nề lo toan, bao mệt mỏi đều tan biến. Chỉ còn hoa với người, với hương tồn tại giữa đời.

Trước đây, người dân Kim Liên chủ yếu chỉ trồng giống sen hồng bản địa. Nay sắc sen quê Bác đã đa dạng và phong phú lắm. Nhiều giống sen đã được đưa về trồng, có sen cánh đơn, cánh kép; có sen vàng, sen trắng, sen hồng… Những mảng màu đan xen của những hồ sen vẽ nên bức tranh đa sắc như níu chân du khách khi về thăm quê Người.

Vẻ đẹp của sen Kim Liên qua ống kính của nhiếp ảnh gia Trần Bích

Về Kim Liên lần này, tình cờ tôi được gặp nhiếp ảnh gia Trần Văn Bích, một người có tình yêu và niềm đam mê sen bất tận khi ông đang tìm về khám phá vẻ đẹp của sen trên quê Bác. Ông đã đi khắp mọi miền Tổ quốc để chụp duy nhất một loại hoa là sen để làm nên một điều kỳ diệu: tổ chức được 20 cuộc triển lãm về sen. Để săn được những khoảnh khắc, những tấm hình đẹp, ngay từ sáng sớm, ông đã có mặt ở hồ sen. Dù đã 76 tuổi, phải chống gậy do chân phải bị đau, nhưng vì tình yêu sen, những điều đó không hề là trở ngại với ông trên con đường khám phá cái đẹp. Qua cuộc trò chuyện, tôi được biết đã rất nhiều lần ông tới Kim Liên, bởi lần nào đi qua Nghệ An ông cũng đều ghé thăm quê Bác. Lần này đặc biệt là bởi đúng vào dịp sinh nhật Bác, và cũng để chuẩn bị cho cuộc triển lãm “Đời sen” nhân dịp này. Được biết, đây là triển lãm thứ 20 của ông về sen. Triển lãm lần này gồm 50 bức ảnh về sen, ca ngợi vẻ đẹp và sự hy sinh của người mẹ làng Sen. “Sen có một vẻ đẹp kỳ lạ, khám phá mãi cũng không hết. Loại sen nào cũng đẹp, mỗi loại sen ở mỗi vùng đất có một vẻ đẹp riêng. Đời sen cũng giống như đời người, có sinh, lão, bệnh, tử; có sinh có diệt; có vẻ đẹp của niềm vui, vẻ đẹp của nỗi buồn, nhìn vào sen ta thấy sự vô thường, thấy đời sống của con người”, nhiếp ảnh gia Trần Bích chia sẻ.

Đối với mỗi người dân Kim Liên, hoa sen đã là một phần không thể thiếu, là linh hồn của vùng đất này. Dạo một vòng quanh xã để ngắm những hồ sen, tôi gặp chị Trần Thị Thế, một hộ trồng sen ở xóm Liên Hồng đang chăm chút những đầm sen của mình. Được biết, gia đình chị là một trong những hộ có diện tích trồng sen lớn trong vùng với 2,5 ha. Vừa giới thiệu cho tôi biết tên và cách nhận diện một số loại sen dưới hồ như sen Hồ Tây, sen bách diệp, chị vừa chia sẻ thêm “Gia đình chị trồng sen đã mấy đời, từ thời ông bà, cha mẹ. Đến năm 2016, anh chị tiếp quản, chăm sóc, mở rộng thêm diện tích trồng sen. Nghề trồng sen vô cùng vất vả. Chỉ trồng chơi vui thì khác, nhưng trồng để cho năng suất và chất lượng cao hoàn toàn không đơn giản: phải chăm sóc, bón phân, xử lý sâu bệnh thường xuyên. Cây sen thường được gieo trồng vào cuối tháng 2 âm lịch. Giống sen cổ bản địa thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 5 là hết, nhưng từ khi tham gia HTX Sen quê Bác, gia đình chị đã có thêm nhiều giống sen mới cho thời gian thu hoạch dài hơn, có khi tới tận tháng 9”. Diện tích trồng sen khá lớn như vậy, nhưng khi được hỏi về thu nhập từ sen, chị Thế giãi bày: “Trồng sen đã đem lại nguồn lợi kinh tế cho gia đình, nhưng hai năm vừa rồi do ảnh hưởng dịch Covid-19 gia đình chị thất thu, nếu không vì tình yêu với sen và với quê hương, không vì đam mê thì có lẽ gia đình chị cũng không theo trồng nữa”. Tôi hiểu mỗi người dân Kim Liên như mang trên mình một “sứ mệnh”, đó là gìn giữ truyền thống và làm đẹp cho cảnh quan quê hương. Hơn thế, họ còn luôn trăn trở làm sao để phát huy mọi ưu thế của sen để tạo ra thật nhiều sản phẩm, vừa tăng nguồn kinh tế, vừa quảng bá vẻ đẹp quê hương. “Có thể tận dụng hết mọi bộ phận của sen như hoa, lá, củ, hạt; chị cũng đang tìm tòi, học hỏi để làm nón bằng lá sen, năm ngoái đã làm thử 5 chiếc do một chị ở thành phố Vinh đặt”, chị Thế chia sẻ. Tấm lòng ấy của những người con trên quê hương Bác thật đáng trân trọng!

Khu vườn trồng thử nghiệm các giống sen của HTX Sen quê Bác. Ảnh: Lê Nhung

Sen là một loại cây đặc biệt khi dường như tất cả các bộ phận đều có công dụng riêng. Diện tích trồng sen lớn nhưng chỉ thu hoạch hoa như trước đây là đã bỏ phí bao tiềm năng của loài hoa quý này. Đó cũng là lí do khiến anh Phạm Kim Tiến, Giám đốc HTX Sen quê Bác từng trăn trở. Trong không gian sân vườn ngập tràn hương sắc của các loại sen đang được trồng thử nghiệm, bên ấm trà shan tuyết được ủ hương sen quê Bác, anh Tiến kể về câu chuyện khởi nghiệp của mình. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp, anh đã trải qua 10 năm làm nhiều việc khác nhau ở Hà Nội. Thế nhưng tình yêu với quê hương vẫn luôn âm ỉ đã thôi thúc anh quay trở về quê hương lập nghiệp. Là một người con sinh ra và lớn lên trên quê Bác nên từ nhỏ anh đã được gắn bó và có một tình yêu đặc biệt với loài hoa này. Có đam mê cùng nền tảng kiến thức được học, anh Tiến đã nghiên cứu thêm về điều kiện khí hậu, đất đai, giống… để trồng thử nghiệm các giống sen. Cho đến năm 2019, anh mạnh dạn thành lập HTX Sen quê Bác chỉ với 7 thành viên, 22 hộ trồng sen và diện tích là 20 ha. Đến nay, HTX có quy mô trồng sen lên tới 50 ha và trồng thử nghiệm tới 27 giống sen bản địa, 72 giống sen ngoại nhập khác nhau. Ngoài việc trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen, HTX Sen quê Bác còn liên tục tìm tòi, nghiên cứu để cho ra các chế phẩm sen như trà tâm sen, trà lá sen, các loại trà sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, sữa hạt sen… Trong số 12 sản phẩm được chế biến từ sen, có đến 9 sản phẩm đạt chất lượng OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao: trà tâm sen, hạt sen sấy, trà ướp bông sen, trà liên tu; 5 sản phẩm 3 sao: trà lá sen, Bạch Liên Nữ Vương, hạt sen sấy bơ, bánh cà hạt sen, trà ướp gạo sen; 2 sản phẩm trà ướp bông sen, trà tâm sen đang xây dựng để xuất khẩu.

Quá trình sơ chế để làm các chế phẩm từ sen đều được làm thủ công. Ảnh: Phạm Kim Tiến

Điều đặc biệt của các chế phẩm từ sen là được làm thủ công tới 60%. Từ khâu thu hái cho đến bóc tách đều được huy động lao động trong vùng, do đó vừa tạo được công ăn việc làm cho nhiều người, vừa tạo nên sự gắn kết cộng đồng. Đồng thời, HTX vận dụng các kĩ thuật sản xuất cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó có công nghệ sấy thăng hoa giúp lưu giữ được 85% hương sắc sen so với ban đầu. Đã có nhiều chế phẩm từ sen được thị trường ưa chuộng như các loại trà ủ sen, trà tâm sen, trà lá sen, hạt sen sấy… “Sen có nhiều loại và mỗi loại lại có những đặc tính riêng. Thế nên mỗi loại sen sẽ được khai thác phù hợp với đặc tính của nó. Chẳng hạn sen để lấy lá phải là sen cốm vì lá dày, to, thơm; sen dùng làm trà sen thì phải là các loại sen nhiều cốm, hoa thơm, cánh nhiều. Miền Trung khí hậu khắc nghiệt là một khó khăn trong việc chọn loại giống phù hợp nhưng cũng chính điều đó lại tạo nên hương vị đậm đà rất riêng góp phần tạo nên thương hiệu sen quê Bác”, anh Tiến chia sẻ.

Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, trong các công đoạn chế biến đòi hỏi người thợ thủ công phải rất tỉ mẩn, kì công, thật tinh tế và kết hợp cả máy móc hiện đại. Với loại trà ướp sen, nguyên liệu phải là những bông hoa bách diệp được tuyển chọn từ những hồ sen trong lành, và được hái vào lúc sáng sớm khi mặt trời còn chưa lên, những bông sen chỉ mới hé nở gọi là hàm tiếu. Trà dùng để ướp phải là loại trà shan tuyết được thu hái từ những cây trà cổ ở vùng núi cao. Sau khi thu hái về, những bông sen sẽ được thợ bóc tách một cách khéo léo để cho trà vào ủ hương. Thế mới biết đằng sau những ấm trà ngon thơm ngát hương sen là biết bao giọt mồ hôi, bao công sức cùng bàn tay khéo léo của rất nhiều người. Thưởng thức một ngụm trà là thưởng thức bao tinh túy, tinh hoa gửi vào đó!

Một số sản phẩm từ sen của HTX Sen quê Bác được bày bán tại cửa hàng của HTX. Ảnh: Lê Nhung

Khai thác ưu thế sản xuất ngay trên chính quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm du lịch có lượng khách đến tham quan hàng năm rất lớn, HTX Sen quê Bác đã đa dạng hóa bằng cách sản xuất thêm các mặt hàng lưu niệm từ sen. Sen không chỉ để ngắm, còn biết bao giá trị tinh túy từ hoa, thân, lá, hạt, tâm, củ sen… rồi sự thích thú trải nghiệm quy trình chế biến các món ăn, thức uống từ sen; sự hào hứng mua các sản phẩm từ sen về làm quà. Những tâm lý ấy của du khách được HTX Sen quê Bác triệt để khai thác và gửi tất cả vào những sản phẩm đa dạng và khá tinh tế do đôi bàn tay, khối óc và cả tình yêu của mình tạo nên. Nhờ đó, hiện nay, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều thành phố lớn, trong đó có Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội…

Cây sen đã mang đến cơ hội phát triển kinh tế du lịch cho địa phương khi nơi đây đang trở thành địa điểm hấp dẫn du khách tới tham quan, thưởng ngoạn. Việc phát triển cây sen cũng góp phần tạo nên một môi trường sinh thái sạch, đẹp và giàu ý nghĩa trên quê Bác. Sen quê Bác luôn nở rộ vào đúng tháng 5, như một món quà mà thiên nhiên ban tặng để dâng lên mừng sinh nhật Người. Chia tay Kim Liên, tôi cũng không quên mua vài món quà đặc sản xứ Nghệ: trà tâm sen, trà lá sen, bánh cà hạt sen… mang về làm quà cho người thân và bạn bè, cũng là mang theo ân tình của người dân quê Bác. Đã rời đi mà hương sen còn vương vấn như nhắc nhủ lữ khách là tôi hãy quay trở lại. Chắc chắn rồi, tôi sẽ lại về quê Bác vào những mùa sen!

Lê Nhung

Bài viết cùng chủ đề:

  • HTX nông nghiệp Sen quê Bác lan toả giá trị văn hoá Việt

    7/Th8/2024

    Các sản phẩm của HTX nông nghiệp Sen quê Bác mang đậm nét văn hóa và giá trị truyền thống Việt Nam, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Là một HTX tiêu biểu trên quê hương Nam Đàn, thương hiệu Sen quê Bác đã được…

  • Dọc Quốc lộ 46, đoạn qua xã Kim Liên, Nam Giang (Nam Đàn) độ này những đầm sen rộng mênh mông bắt đầu toả hương, khoe sắc. Ảnh: Thanh Phúc

    Nông dân quê Bác tất bật vào mùa thu hoạch sen

    30/Th5/2024

    (Baonghean.vn) – Tháng Năm, những bông sen vươn mình lên khỏi mặt nước, bung mình khoe sắc, toả ngát hương thơm. Thời điểm này, nông dân tất bật vào mùa thu hoạch hoa sen, phục vụ du khách về thăm quê Bác, nhập cho các thương lái trong và ngoài tỉnh…

  • Tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp từ mô hình Hợp tác xã

    10/Th4/2024

    Phạm Kim Tiến, Giám đốc HTX Sen Quê Bác (Nam Đàn); Đặng Văn Hóa, Giám đốc HTX Chanh Thiên nhẫn (Nam Đàn); Hồ Đăng Tâm, Giám đốc HTX DVNN Quỳnh Bảng; Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc HTX NN Phú Thịnh, Lô Văn Tiến, Giám đốc HTX Tà Lân (Con Cuông); Sầm Thị Yến, Giám đốc…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
949.478.986